Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013

Đặc tính sinh học của chim bồ câu


Chim câu (chim bồ câu) nhà có tổ tiên từ chim câu núi màu lam hiện còn sống hoang ở nhiều vùng núi Châu Âu, Châu Á và Bắc Phi.
  Toàn thân chim câu có lông vũ bao phủ. Mình chim hình thoi. Có dài rất linh hoạt giúp chim dễ quan sát từ mọi phía, mổ thức ăn, tấn công hay tự vệ, rỉa lông cánh. Bồ câu có bản năng ấp trứng tốt, nuôi con giỏi, kiếm mồi và khả năng định hướng nhận biết đường đi, về. Bồ câu được con người thuần hóa và nuôi dưỡng từ lâu (cách đây khoảng 5000 năm) để phục vụ cho cuộc sống: lấy thịt, đưa thư và làm cảnh. Ngoài ra bồ câu còn là hình ảnh tượng trưng cho hòa bình hữu nghị giữa các dân tộc trên trái đất.
Bồ câu là loài chim có khả năng đặc biệt nhận biết và định hướng đường đi trên một khảng cách rất xa một cách chính xác. Đó là từ khi bay, chim phát ra tín hiệu dò tìm từ trường trái đất về định hướng đường đi.
Bồ câu có đặt tính rất nhớ nơi cũ. Một nông dân mua chim cách nhà 20km. Chim được nhốt chim trong chuồng 5-6 ngày cho quen rồi nuôi thả. Thế mà chim vẫn quay về tổ cũ, không trở lại nữa.
Dựa vào đặc tính này, người ta đã chọn và và tạo được những giống chim có khả năng đưa thư liên lạc trên một khoảng cách rất xa.
Bồ câu là loài chim có nhiều biến dị về màu lông: đen, trắng, nâu, khoang khá đẹp và sặc sỡ. Về ngoại hình có giống bồ câu chùm lông ở đầu rất ngộ nghĩnh hoặc có đuôi xòe rất đẹp.
Bồ câu thường sống thành từng đôi có vợ và một chồng trong trường hợp nuôi chuồng cũng như khi sống tự do thành bầy. Khi lẻ đôi do trống hoặc mái chết, chim còn lại sẽ bỏ chuồng bay đi nơi khác tìm bạn. Trường hợp bị lẻ đôi, người ta có thể ghép đôi cho chúng nhưng phải kiên trì mới thành công hoặc cũng có trường hợp chim mái “quyến rũ” chim trống nơi khác về chuồng mình ở.
Bồ câu thường đẻ 2 trứng ra 2 con: 1 trống 1 mái. Nhưng cũng có không ít trường hợp nở ra toàn mái hoặc toàn trống.
Bồ câu khá mắn đẻ, thường 40-50 ngày cho một lứa nếu nuôi tốt. Ở điều kiện khí hậu sinh thái nước ta có thể cho 5-6 lứa ở miền Bắc và 6-7 lứa ở miền Nam trong 1 năm.
Bồ câu có 80 nhiễm sắc thể, tế bào sinh dục đực mang dấu zz, tế bào sinh dục cái mang dấu zw.
Ở bồ câu thường phối giống đồng huyết ở mức cận thân (đôi trống mái là anh em ruột) nhưng tác hại của nó không lớn như ở loài có vú.
Bồ câu rất thích ăn các loại hạt cốc, nhất là hạt đậu đỏ chứa nhiều protein giúp chim khỏe, tăng khả năng sinh sản và phát triển cơ bắp. Chim ưa sạch sẽ, thoáng đãng, chúng thường tắm vào những ngày nóng bức hoặc sau khi đi kiếm mồi về. Chim thích chuồng rộng, có màu sắc đẹp, đặt ở chỗ cao, yên tĩnh. Chuồng bẩn, khu nuôi ồn ào, nhiều kiến... có thể là những nguyên nhân làm chim bỏ chuồng bay đi nơi khác.
Chim có tập quán đứng soi mình, rỉa lông cạnh bể nước và đó cũng là nơi trống mái tình tự.
Ở bồ câu, túi không khí phổi có quan hệ với nhiều cơ quan nội tạng như tim và dạ dày (mề). Túi không khí là nguồn dự trữ oxy vì không khí tạm thời ở đó rồi đi qua phổi khi hít vào để một lần nữa qua đó đi ra ngoài. Túi không khí còn đóng vai trò điều hòa thân nhiệt làm mát cơ thể của chim đặc biệt là cơ quan nội tạng.
Chim bồ câu mới sinh, mình trần trụi, mắt nhắm, yếu ớt nhưng có tốc độ lớn khá nhanh.
Tuyến giáp trạng của bồ câu khá phát triển và đạt độ lớn khi chim ở độ chín muồi sinh dục.  Tuyến này phát triền còn theo mùa, xuân hè tuyến giáp trạng nặng 25-30mg, thu đông là 40mg. Vai trò sinh lý của tuyến có liên hệ với quá trình oxy hóa và sự phát triển của cơ thể.
Máu bồ câu nồng độ cao và đông nhanh hơn 2 lần máu chó, 10 lần máu ngựa. Khối lượng máu bồ câu bằng 9,2% thể trọng cơ thể.
Tim bồ câu khá lớn phân thành 2 nửa riêng biệt có vách ngăn tâm thất hoàn chỉnh.
Bồ câu không có túi mật.
Ở bồ câu đa số trường hợp con giống lớn hơn con mái song sự chênh lệch không nhiều. Nhưng ở một số giống ở vùng khí hậu khác nhau con mái lớn hơn con trống và xương chậu cũng phát triển hơn.
Bộ máy sinh dục bồ câu trống bao gồm tinh hoàn và phần phụ. Trọng lượng tối đa của tinh hoàn bồ câu bằng 0,5% trọng lượng cơ thể. Ở bồ câu mái, trong buồng trứng số lượng noãn bào khá nhiều, nhưng chỉ một số ít chín muồi. Trứng chín muồi đi vào phễu của ống dẫn trứng nhưng ở chim không hình thành hoàng thể và đó là sự khác biệt với loài có vú và điều này có liên quan tới khả năng kéo dài thời kỳ đẻ trứng trong năm của chim.
Bồ câu có chất lượng thịt thơm ngon và mềm có thể chế biến nhiều món ăn ngon và giá trị dinh dưỡng cao như chim quay, chim tần, chim nấu miến... là những món ăn đặc sản được nhiều dân tộc phương Đông ưa chuộng.
Bồ câu có bộ xương nhỏ, nên tỷ lệ thịt khá cao, phẩn bỏ đi không đáng kể. Các cơ quan ở phần ngực và phần đùi phát triển mạnh, cơ lưng và cơ đuôi ít phát triển.

3 nhận xét:

  1. bo cau co lam to khong

    Trả lờiXóa
  2. Rất hay. AD có thể làm thêm 1 bài nói về các động tác và cử chỉ của bồ câu thể hiện điều gì thì hay biết bao

    Trả lờiXóa